HarryWillson
(Member)
[Off] 23-09-2016 |
Mụ dì có một cô con gái, mụ dặn khi chơi chú ý xem các con chồng ăn những gì. Nó về kể lại tất cả. Mụ mưu giết con dê bằng cách giả ốm rồi đút tiền cho thầy thuốc (ha-kin) để nhờ thầy kê đơn thuốc có món thịt dê cho mình. Con thấy bố sắp giết dê thì kêu khóc, dê dặn con nhặt xương chôn xuống một nơi nọ, khi nào đói thì đến khấn, sẽ có ăn.
Ít lâu sau, trong khi các cô con gái nhà đó rửa mặt ở suối nước chảy qua trước nhà, chiếc vòng mũi của một cô rơi, bị cá nuốt mất. Con cá ấy sau bị làng chài bắt, rồi vào tay một bác đầu bếp nhà vua. Thấy chiếc vòng, người đầu bếp đem dâng vua. Vua cho rao ai mất vòng thì đến nhận. Em cô gái đến nói là vòng của chị mình. Vua cho gọi đến và khi thấy mặt cô, vua say vì nhan sắc, bèn lấy làm vợ (xem lại các trang 1189-1190).
Ở một số truyện khác nữa thì người mẹ cô gái lại hóa thành cây, ví dụ cây cam trong Pơ-ria Pơ-ró của dân tộc Chăm-hơ-roi:
Pơ-ria Pơ-ró là hai chị em cùng cha khác mẹ. Cũng như truyện trên, mẹ Pơ-ró được chồng yêu. Mẹ Pơ-ria chết, nàng ra mộ khóc, một buổi sáng thấy trên mộ mọc lên một cây cam có quả, còn nàng cũng trở nên đẹp hơn trước. Một hôm đang hái cam ăn thì có hoàng tử đi săn qua, hai bên yêu nhau. Pơ-ria được đưa về cung làm vợ hoàng tử. Đoạn thứ hai truyện này giống với truyện Tấm Cám. Nhân khi Pơ-ria về dự lễ "bỏ mả" cha mẹ, dì ghẻ bảo nàng trèo cau. Nàng trèo lên ngọn cau thì mẹ con ra sức chặt gốc, nàng nhảy sang cây khác, cây này cũng bị chặt gốc, nàng đành phải nhảy chuyền mãi, sau ngã xuống chết. Người dì ghẻ lột lấy quần áo cho Pơ-ró giả làm Pơ-ria vào cung.
Pơ-ria chết được tiên cho hóa thành hoa "bung bay" mọc trên mộ mẹ. Một bà cụ hái về, hoa tươi mãi không héo. Ngày ngày khi vắng bà cụ, Pơ-ria hiện ra bổ cau têm trầu, hễ thấy bóng người thì biến mất (không có tình tiết rình bắt như truyện của ta). Hoàng tử đi qua nhà, thấy miếng trầu quen thuộc bỗng nhớ đến vợ. Một giọt nước mắt rơi vào bát nước. Thấy bóng vợ trong đó, hoàng tử ngất đi. Thương chồng, Pơ-ria hiện ra và hai người tái ngộ. Ở đây không có câu chuyện báo thù mẹ con Pơ-ró, vì Pơ-ria xin tha tội chết cho chúng, nhưng hoàng tử cũng đuổi chúng lên núi cao. Sau đó mụ dì hóa thành diều hâu, con hóa thành hoa mơ-miêng hôi thối[19].
Trong một số truyện sau đây, hình ảnh cái cây tuy không phải là mẹ cô gái hóa ra, nhưng cũng có vai trò quan trọng trong sự phát triển của cốt truyện.
Truyện PhápCô bé An-nét:
An-nét, một cô bé mất mẹ từ hồi mười lăm tuổi. Người bố lấy một mụ góa có ba con gái. Hàng ngày chúng được ăn trơn mặc trắng, còn An-nét thì phải làm mọi việc, trong khi đó chỉ được ăn mẩu bánh, khát thì vục tay vào nước suối uống. Một hôm nhớ mẹ, An-nét ngồi khóc. Bà thánh Đồng trinh hiện ra cho một chiếc đũa bảo gõ vào con cừu đen sẽ có ăn. An-nét quả có bữa ăn thịnh soạn, nhờ đó ngày một trở nên béo tốt. Thấy lạ, dì ghẻ cho con gái thứ nhất đi theo để dò. Hai đứa chơi chán, An-nét chải tóc cho nó và ru, dần dần nó ngủ quên. Về nói không có gì lạ. Đứa con gái thứ hai đi dò cũng thế. Đứa thứ ba cũng thế, nhưng nó lại có con mắt thứ ba không nhắm. Vì thế việc bí mật của nàng bại lộ. Mụ dì ghẻ giả ốm bảo chồng làm thịt cừu đen ăn mới lành.
An-nét báo tin cho cừu biết. Cừu bảo: - "Hãy xin miếng gan chôn ở sau vườn". Ở chỗ gan mọc lên một cây cao có quả ngon, nó thường sà xuống cho An-nét ăn. Một hôm hoàng tử đi qua muốn ăn, hứa cô nào trèo lên được thì lấy làm vợ. Chẳng một ai trèo lên được cả. Mụ dì ghẻ muốn cho con gái mình lấy hoàng tử bèn làm một cái thang dài, nhưng cây lại vươn lên cao. Mụ với tay ra hái nhưng mất thăng bằng bị ngã gẫy cổ. Hoàng tử thèm ăn rỏ dãi. An-nét lại gần cây, cây tự nhiên sà xuống cho cô hái đầy rổ. Cô trở thành vợ hoàng tử[20].
Một dị bản khác của Pháp:Chuông vàng. Cô gái trong truyện này lại là con vua. Hoàng hậu đau sắp chết bảo con chăn một con chiên trắng. Lại dặn khi bị dì bạc đãi thì lấy đũa gõ vào tai phải chiên, sẽ có một bàn ăn dọn sẵn, nếu gõ vào tai trái thì bàn ăn biến đi. Mụ dì cũng sai con gái đi dò. Cô gái bắt chấy cho nó nên nó ngủ quên, nhưng lần sau nó giả ngủ, thấy hết mọi việc. Mụ dì bèn giả ốm đòi ăn thịt chiên. Trước khi chết, chiên bảo nhặt xương chôn dưới cây lê, cành nó sẽ mọc chuông vàng, luôn luôn rung thành tiếng nếu tắt đi là có điềm chẳng lành. Cũng có ông vua đi qua trông thấy cây có chuông đẹp bảo ai hái được sẽ lấy làm vợ. Con gái mụ dì ghẻ trèo, mẹ ở dước đẩy lên, nhưng càng trèo cây càng cao, không hái nổi. - "Còn cô nào nữa không?", vua hỏi. - "Có, nhưng nó chỉ chăn chiên là giỏi". Vua cố gắng chờ. Cô gái về bảo cây cúi xuống cho cô hái rồi bỏ vào tạp dề cho vua. Vua bèn lấy làm vợ. Ít lâu sau, vua đi đánh trận, hoàng hậu đang đau, vua bảo mụ dì chăm sóc. Mụ ném cô xuống sông rồi cho con thay. Chuông từ đấy không kêu nữa. Không nghe tiếng chuông, vua nhớ đến lời vợ dặn, trở về. Đi qua sông thấy một bàn tay thò lên mặt nước. Vua kéo lên thì ra đó là vợ mình vẫn còn sống. Đưa vợ về vua ra lệnh treo cổ mẹ con mụ dì ác nghiệt[21].
Hình tượng tái sinh nhiều lần của Tấm cũng là hình tượng quen thuộc trong nhiều truyện cổ tích của các dân tộc.
Người Xrê (Xré) (Tây Nguyên) có truyện Gơ-liu Gơ-lát (nồi lớn nồi bé):
Là hai chị em cùng cha khác mẹ cùng xinh như nhau nhưng Gơ-liu thì tính nết hiền hậu, còn Gơ-lát thì gian ác. Ở đây, truyện lược mất đoạn đầu, chỉ kể rằng một hôm có con quạ mang một đôi hài không phải của một trong hai cô gái mà là của hoàng tử Chăm thả xuống một nơi cho phụ nữ ướm chân, ai vừa thì hoàng tử lấy làm vợ. Gơ-liu ướm vừa chân, được đón về cung, Gơ-lát được phép theo chị. Một hôm trong lúc chồng đi đánh giặc, Gơ-liu bị Gơ-lát giết rồi phao tin chị chết bệnh. Gơ-lát xin thay Gơ-liu làm vợ, hoàng tử nhận nhưng tỏ ý ghét. Ở mộ Gơ-liu mọc lên một khóm trúc, hoàng tử cho là hồn vợ tái sinh, sai rào kín, nhưng cây bị Gơ-lát chặt mất trong khi chồng đi vắng. Hồn Gơ-liu lại nhập vào con chim nhỏ lông vàng, một hôm nó thả xuống trước mặt hoàng tử một hộp trầu. Thấy hộp trầu quen thuộc, hoàng tử cũng bảo: - "Có phải Gơ-liu thì xuống đây với ta". Chim bay xuống, nhưng khi hoàng tử đi vắng, Gơ-lát bắt làm thịt. Cũng như truyện của ta, lông chôn bên đường hóa thành cây thị chỉ có độc một quả. Một bà cụ đi qua nghe có tiếng gọi, một hộp trầu tự nhiên rơi vào tay bà, có tiếng gọi bảo bà đưa đến cho hoàng tử. Hoàng tử theo bà cụ đến bên cây thị thì quả thị rơi xuống như lời khấn của bà cụ, rồi sau hóa thành Gơ-liu.
Đoạn sau, khi hoàng tử biết rõ chuyện, sai xẻ thịt Gơ-lát làm mắm gửi về biếu mụ dì ghẻ. Mụ ăn hết mắm đến thăm con vào lúc vợ chồng hoàng tử đang ăn mừng sum họp. Bị đánh đuổi và khi biết mình ăn thịt con, mụ nhảy xuống sông chết. Ở đoạn kết thúc này, con quạ xuất hiện không phải để báo tin mà để rỉa thịt mụ[22].
Xem thêm truyện của người MèoChàng rắnở Khảo dị truyện số 128, tập III.
Truyện Ấn Độ sưu tầm ở cao nguyên Đê-căng (Deccan):
Một cô gái tên là Xuya-ri-a Bay được vua lấy làm vợ. Hoàng hậu cũ ghen sai ném cô xuống ao. Trong ao mọc lên một cây hoa vàng rất đẹp, mỗi khi vua tới ngắm thì hoa hướng về phía vua. Lấy làm lạ vua mê ngắm suốt ngày. Hoàng hậu lại ra lệnh bẻ hoa ném vào lửa. Hoa cháy ra tro, nơi đổ tro mọc lên một cây có quả rất đẹp. Không ai dám hái, còn dành cho vua. Một hôm mẹ Xuay-ri-a Bay là người vắt sữa nghèo đi qua nghỉ ở dưới cây, quả rơi vào bình sữa. Bà mang về giấu trong buồng. Khi lấy ra tự nhiên trong quả có một người đàn bà nhỏ đẹp bước ra, rồi lớn lên dần dần, và trở thành người thật, đó là con bà.
Một đoạn của truyện Băng-la-đex (Bangladesh):
Có hai đứa trẻ: anh trai, em gái bị giết theo lệnh của hoàng hậu là dì ghẻ của chúng, gan của chúng được ném vào một chỗ, về sau mọc lên ở đó một cây to có hai hoa to đẹp, kết thành hai quả đẹp. Hoàng hậu trèo lên hái quả, nhưng mỗi lần với tay thì hai quả lùi dần. Hoàng hậu sai người chặt cây, nhưng cây chống lại. Việc đó diễn ra trong mấy ngày. Vua được tin ra xem, hai quả cây tự nhiên rơi vào tay vua. Vua mang vào buồng để ở trên bàn gần giường nằm. Đêm lại, nghe một tiếng nhỏ phát ra từ một quả: - "Anh", và có tiếng đáp từ quả kia: - "Em hãy nói nho nhỏ chứ. Mai vua bổ quả ra, nếu hoàng hậu biết thì mụ sẽ giết chết. Trời cho chúng ta tái sinh ba lần, nếu chết đến lần thứ tư thì không thể thành người được nữa". Nghe đoạn, vua bổ quả cây liền thấy hai đứa bé chui ra. Gặp lại con và nghe mọi việc, vua bèn giết người dì ghẻ.
Truyện của người Xắc-xông (Saxons) ở Tơ-răng-xin-va-ni (Transylvanie) mà người Ru-ma-ni (Roumains), người Di-gan ở Bu-cô-vin (Bucovine), ở Hung (Hongrie), ở Va-la-kơ (Valachie) và Xéc-bi (Serbie) đều kể như nhau:
Một hoàng hậu sinh được hai đứa trẻ tóc vàng. Một đứa hầu gái âm mưu chôn sống hai đứa bé trong đống phân, khi vua về tìm cách vu cáo hoàng hậu và cuối cùng hắn được lấy vua. Chỗ chôn hai đứa bé mọc lên hai cây thông vàng. Thấy thế, hoàng hậu mới - người hầu gái - làm bộ ốm đau, đòi nằm trên ván thông vàng mới đỡ. Vua sai chặt hai cây, cưa ván, một làm giường cho vua, một làm giường cho hoàng hậu. Đêm lại, giường này nói với giường kia: - "Anh bị con mẹ ác nghiệt nằm lên nặng quá!" - "Còn em thì cha ta nằm lên, rất nhẹ". Hoàng hậu nghe được câu chuyện, sai người đốt giường. Trong khi cháy có hai cái tàn bay vào mớ hạt mà người ta cho cừu ăn. Cừu mẹ ăn xong đẻ được hai con cừu lông vàng. Hoàng hậu lại đòi ăn tim cừu cho lành bệnh. Vua lại ra lệnh giết. Ruột cừu đem rửa ở sông có hai khúc trôi dạt vào bờ, hiện nguyên hình thành hai đứa trẻ sống.
Người Nga kể truyện này cũng giống như trên, chỉ hơi khác đoạn kết. Khi người ta giết hai con cừu thì họ ném ruột lên đường. Mẹ hai đứa trẻ ấy là hoàng hậu bị chồng đuổi, nhặt được, không biết ruột từ đâu tới bèn lấy nấu ăn, sau đó có mang đẻ được hai con trai. Lần hồi chúng lớn lên và được vào cung, tình cờ một hôm gặp vua cha, thuật lại gốc tích, v.v...
Hai truyện của Hy-lạp (Grèce):
1. Tro Bếp được hoàng tử lấy làm vợ. Hai chị của Tro Bếp dùng phép biến em thành chim. Chim bay tìm đến hoàng tử. Hai chị lại giết chim. Ba giọt máu của chim văng ra mọc lên một cây táo. Hai chị lại xui hoàng tử chặt cây táo. Đang chặt hoàng tử thấy một bà già đến xin: - "Cho tôi một quả táo". Hoàng tử cho một quả. Quả này trong có Tro Bếp. Bà già mang về bỏ vào trong một cái hộp. Cũng như trong truyện Tấm Cám, vắng bà già, Tro Bếp hiện ra khỏi hộp, quét nhà nấu ăn cho bà. Bà già lấy làm lạ, nhưng vẫn chưa biết sự thật. Một hôm bà mời hoàng tử đến ăn tại nhà mình: - "Ngài hãy đến, tôi xin đãi một đĩa thức ăn ngọt và một quả táo ngon của cây táo của ngài". - "Bà còn giữ quả táo tôi cho à?" - "Vâng". Hoàng tử đến, bà già mở hộp ra và rất ngạc nhiên khi thấy cô gái xuất hiện từ quả táo: - "Sao con lại ở đây?". Tro bếp kể lại chuyện của mình. Bà già dọn cho hoàng tử những hạt quả rồi nói rằng: - "Quả táo mà hoàng tử cho tôi đã thối hết không dùng được nữa". Cuối cùng bà cũng cho hoàng tử gặp cô gái và hai người nhận ra nhau.
2. Một cô gái yêu một hoàng tử. Một nữ nô lệ có phép thuật biến cô thành cá vàng rồi tự thay địa vị của cô. Thấy hoàng tử thích ngắm cá vàng, nữ nô làm bộ ốm đau, đòi ăn canh cá vàng mới lành. Người ta được lệnh giết cá. Có ba giọt máu rơi xuống đất. Chỗ ấy mọc lên một cây bạch dương. Nữ nô lại làm bộ ốm đau, bảo đốt cây thành tro như cấm không cho ai lấy lửa. Đang đốt một bà già từ đâu đến gần. Bà bị người ta xua đuổi nhưng một mảnh tàn đã dính chặt vào áo bà. Hôm sau bà đi vắng. Lúc về đã thấy nhà cửa quét dọn tử tế. Nhiều lần như vậy, bà nấp rình, bắt được. Bà nuôi cô làm con. Về sau cô gặp lại hoàng tử[23].
Một truyện khác của Pháp:
Một hoàng hậu trẻ bị giết theo lệnh của hoàng thái hậu. Xác bị ném vào hồ nước cạnh lâu đài. Một cô gái khác được bí mật đưa tới thay thế địa vị của hoàng hậu. Một hôm vua ngồi ở cửa sổ thấy trong hồ nước có một con cá kỳ lạ có ba màu: hồng đào, trắng và đen. Vua ngắm mãi khiến cho hoàng thái hậu bực mình giết con cá. Hoàng hậu giả lúc đó có thai đòi ăn. Bỗng chốc trước cửa sổ lâu đài có một cây ba màu mọc lên. Bà già sai đốt cây. Tro của cây bốc lên hóa thành một lâu đài rực rỡ có ba màu. Nhiều người trèo lên lâu đài nhưng không mở được cửa. Khi vua trèo lên thì mở được ngay. Vua bước vào thấy hoàng hậu vợ mình vẫn còn sống.
Một truyện khác của Hy-lạp (Grèce) tình tiết có khác nhưng vẫn cùng dạng người biến thành chim:
Hai người chị của hoàng hậu vốn ghen tỵ với số phận của em. Một hôm hai người vào buồng hoàng hậu khi bà này sinh con. Họ cắm vào đầu hoàng hậu một cái kim thần. Tự nhiên hoàng hậu hóa thành chim bay đi. Một trong hai chị lên giường thay em làm hoàng hậu. Vua vốn có thói quen ăn sáng ở vườn. Một hôm thấy có một con chim bay đến hòi: - "Hoàng thái hậu, vua và hoàng tử đêm qua ngủ có ngon không?" - "Có" - "Mọi người ngon giấc nhưng hoàng hậu thì ngủ một giấc không dậy nữa".
Những người làm vườn xin vua giết con chim, Vua cản lại. Mấy ngày sau, chịm lại tới đậu vào bàn ăn với vua. Nhìn thấy cái kim cắm trên đầu, vua rút ra. Chim lại hóa thành hoàng hậu.
Về hình tượng chiếc giày của Tấm rơi xuống chỗ lội, chúng tôi kể ra đây hai truyện biết được thời điểm sưu tầm (do đó mới có cơ sở đoán rằng kiểu truyện Tấm Cám đã được lưu hành từ khá xưa).
1. Truyện Ai Cập:
Một hôm có một kỹ nữ là Rô-đô-pix đi tắm ở sông Nin. Một con quạ tha một chiếc giày từ tay cô hầu rồi bay đến thành Mem-phix và thả rơi đúng tà áo của vua trong khi ông này đang xử kiện giữa một tòa án lộ thiên. Nhận thấy chiếc giày đẹp, vua bèn sai người đi tìm người đàn bà chủ nhân chiếc giày. Người ta tìm thấy Rô-đơ-pix ở thành No-cra-tix dẫn về. Vua lấy làm vợ. (Truyện trên do Xtra-bông (Strabon) ghi chép vào thế kỷ 3 trước công nguyên. Hai thế kỷ sau một tác giả khác cũng người Hy-lạp là Ê-liêng (Éllien) kể lại có tô chuốt chút ít và gán tên cho một nhân vật trong truyện là Pxam-mê-ti-quyx, vua có thật ở Ai-cập).
2. TruyệnNàng Diệp hạntrong sáchDậu dương tạp trở[24].
Một người lấy hai vợ, một vợ có con gái là Diệp Hạn. Sau khi bố mẹ chết, nàng bị mẹ ghẻ hành hạ, bắt làm những công việc nặng nhọc và nguy hiểm. Một hôm bắt được một con cá vảy đỏ mắt vàng, nàng nuôi ở chậu, sau thả xuống ao vì cá mỗi ngày một lớn. Dì ghẻ muốn bắt cá, nhưng hễ không thấy bóng Diệp Hạn thì cá không nổi lên. Một hôm mụ bắt nàng đi gánh nước xa rồi lấy áo của nàng vừa thay mặc vào, đón bờ gọi cá. Cá tưởng Diệp Hạn, nổi lên, mụ bắt làm thịt, xương chôn ở khu đồi. Thấy mất cá, Diệp Hạn khóc, một người hiện ra hỏi vì sao mà khóc. Nghe kể chuyện, người ấy bảo Diệp Hạn đem xương cất đi sẽ cầu được ước thấy. Nhờ đó, cô có áo quần đẹp, giày vàng. Đi xem hội cô là người đẹp nhất đám, nhưng cũng như truyện của ta, cô đánh rơi chiếc giày vàng. Dân bắt được chiếc giày đem bán cho vua Đà Hãn, Cũng xảy ra câu chuyện ướm giày và cuối cùng Diệp Hạn đi vừa, được đón vào cung không quên mang theo nắm xương cá. Truyện kết thúc bằng cái chết của mẹ con mụ dì ghẻ do "phi thạch" trên trời rơi xuống đầu. Dân thương hại chôn cất và thờ làm thần se duyên (Môi thần). Về sau vì vua ước quá nhiều nên xương cá không còn hiệu nghiệm, bèn đem chôn cùng một trăm đấu hạt châu và vàng ở bờ biển, nhưng đến khi đào lên thì mọi thứ đều biến mất.
Cô-xcanh (Cosquin) trongNhững truyện cổ tích Ấn-độ và phương Tâydựa trên hình thức truyệnCô Tro Bếp(Cendrillon) phân thành ba loại: 1) Giày rơi xuốngnước; 2) Giày rơi xuốngđất; 3) Giày được đưa lên trênkhôngđể tìm dấu vết di chuyển của truyện này trên các khu vực địa lý khác nhau. Ông còn kể ra một số các truyện khác (không phải loại truyệnCô Tro Bếp) đều sưu tầm tại Ấn-độ, trong đó có hình tượng chiếc giày (hay một vật gì đó) làm môi giới. Ví dụ một số truyện sau đây:
Một truyện do Xo-đơ-va Ba-i (Sodeva Bair) sưu tập (truyện này có bà con với truyệnCô Tro Bếp):
Một chiếc giày rất đẹp và đắt tiền do một ông vua có thế lực, thưởng cho công chúa con gái mình. Một hôm công chúa đi dạo chơi, bị mất một chiếc. Vua sai người đi các nơi rao, bứa ai nhặt được sẽ có thưởng. Lời rao đó lọt đến tai một hoàng tử. Hoàng tử cố gắng đi tìm giày về, rồi cuối cùng được kết duyện với công chúa.
Một truyện của người Ca-na-ra (Canaras) (từng được ghi chép bằng chữ dân tộc):
Một nàng công chúa sau khi được giải thoát khỏi tay một người khổng lồ bèn lấy một hoàng tử. Một hôm công chúa đánh rơi chiếc giày trong một bể nước. Một người đánh cá bắt được đem bán cho một hàng xén. Người này thấy giày đẹp đem dâng vua. Đến lượt vua say mê chiếc giày, bèn hứa thưởng lớn cho người nào tìm ra chủ nó. Một bà già nhận lời và tìm được. Bà này còn tìm cách chiếm lấy lòng tin của công chúa, lọt được vào buồng công chúa, thừa dịp trộm lấy cái bùa hộ mệnh của chồng nàng. Thấy chồng chết, công chúa để mặc cho người ta mang mình đến cung vua, mong tìm dịp báo thù cho chồng. Trong khi công chúa tìm kế hoãn binh để khỏi lấy vua, thì người em chồng nhờ một vật thiêng liêng đã đến đúng lúc, cứu được anh sống lại và giải phóng cho công chúa thoát khỏi tay vua.
Truyện sưu tầm ở Bắc Ấn:
Nhờ một chiếc nhẫn thần do một con rắn trả ơn, con của một lái buôn lấy được nàng công chúa làm vợ. Hai người ở chung trong một lâu đài bên bờ sông. Một hôm người vợ ngồi gần mặt nước đánh rơi một chiếc giày, chưa kịp vớt lên thì giày đã bị một con cá to nuốt mất. Gần đó có vương quốc của một ông vua (rát-gia). Những người làng chài đánh được con cá to đem dâng vua. Khi đầu bếp mổ ra thì bắt được chiếc giày đẹp, đem nộp. Vua cho truyền rằng ai là chủ chiếc giày sẽ rước về làm hoàng hậu. Bèn sai các bà già trong kinh thành mang giày đi ướm chân. Kết thúc cũng gần với truyện trên.
Một truyện sưu tầm ở Ca-sơ-mia (Cachemire) thì thay vào giày là chiếc lược: có một cô gái, một hôm chải tóc trước cửa sổ. Đang chải, cô để tạm lược trên bậu cửa thì bỗng một con quạ sà xuống quắp đi mất. Sau đó nó đánh rơi xuống biển, bị một con cá nuốt vào bụng. Cuối cùng chiếc lược cũng vào tay đầu bếp nhà vua. Vua lấy làm lạ, cũng muốn biết mặt chủ nhân của chiếc lược bèn cũng sai người đi tìm. Kết quả vua lấy cô gái tìm được làm vợ, v.v... Xem thêm truyện Ấn-độ ở trang 1191 và trang 1995 trong cùng Khảo dị. Ở đây vật bị cá nuốt không phải giày hay lược mà là một trang sức đeo ở mũi (nô-dơ-ring).
Mô-típ dì ghẻ đánh tráo con mình thay con chồng làm vợ vua (hay hoàng tử) cũng được sử dụng phổ biến trong một loạt truyện cổ khác với dạng truyệnTấm Cám. Dẫn ra sau đây một số truyện tiêu biểu:
Truyện PhápCô Ma-ri ở túp lều trong rừng:
Một người đàn bà có hai con gái: cô chị ở tỉnh còn cô em ở với mẹ trong rừng. Một hôm cô em đang kéo sợi, một ông vua đi săn ghé vào thấy cô đẹp muốn lấy làm vợ, nhưng mẹ cô ghét cô, chỉ muốn giới thiệu cô chị. Mặc dầu vậy, đám cưới vẫn cử hành. Ít lâu sau nhà vua đi đánh giặc. Hoàng hậu về chơi với chị, bị chị ghen tức nhảy xổ vào móc mắt, bẻ răng, cắt chân tay rồi bỏ vào rừng. Vì có khổ người giống em, nên cô chị đóng giả hoàng hậu vào cung. Hoàng hậu thật gặp một ông già được ông giúp cho ba điều ước tùy mình lựa chọn. - "Tôi chỉ ước được lành mắt, răng, tay và nếu được ước nữa thì cả chân", hoàng hậu nói. Ông già bảo một đứa trẻ mang một cái xa kéo sợi bằng vàng đến lâu đài của mẹ con hoàng hậu giả đổi lấy hai con mắt. Hoàng hậu giả trông thấy vật quý, hỏi mẹ, mẹ chỉ cho cặp mắt trong một cái hộp. Đưa về, ông già làm cho mắt hoàng hậu sáng trở lại. Ông lại lần lượt đưa những vật khác để đổi lấy răng, hai tay và hai chân, cuối cùng hoàng hậu hoàn toàn lành lặn như xưa. Ông già chỉ đường cho nàng ra khỏi rừng, rồi biến mất. Vua trở về thấy hoàng hậu giả hình dung đổi khác, tưởng vì vắng mình nàng buồn nên mới như vậy. Hoàng hậu giả đưa những thứ đổi được ra khoe với vua. Bỗng ông già nọ xuất hiện, được vua đón vào cung tiếp đãi. Vua hỏi thăm ông thấy gì ở dọc đường. - "Tâu bệ hạ tôi có gặp một người bị móc mắt, bẻ răng và bị chặt chân tay. Chị của bà ấy đối với em như thế đấy! Tôi đã nhờ một em bé đem các vật quý đổi lấy mắt, răng, tay, chân về cho bà ấy. Nếu bệ hạ muốn cứ đến chỗ nọ sẽ gặp". Nhận ra vợ cũ vua đem về lâu đài, rồi ra lệnh cho xiềng mẹ và chị vợ quẳng cho thú dữ.
Truyện của người Ka-bi-lơ (Kabiles):
Một cô gái có nhiều tướng lạ, khi đi cỏ hoa nở dưới gót. Hoàng tử nghe tin, đón về làm vợ. Cô cùng mẹ con dì ghẻ ra đi. Dọc đường mụ dì cho cô ăn rất mặn. Khát quá, cô đòi nước: - "Muốn uống phải chịu móc mắt mới được", mụ dì bảo thế. Cô đành phải nghe theo. Mụ dì sau khi móc mắt bỏ cô lại, cho con gái thay vào, nhưng cô này không có tướng lạ nên bị lộ và bị hoàng tử đuổi về. Còn cô gái mù được con diều trả cho cặp mắt, và qua nhiều phiêu lưu rắc rối cuối cùng gặp lại hoàng tử[25].
Truyện Ý (Italia):
Một cô gái nhận được một số quà tặng của một con rắn biết ơn. Sau đó cô được một ông vua chọn làm vợ. Hai chị cô ghen tỵ cắt tay, móc mắt cô, rồi một trong hai chị tìm đến lâu đài tự xưng mình là người yêu và được vua lấy làm vợ. Còn cô gái kia được người ta thương hại đưa về chăm sóc. Một hôm giữa mùa đông, có con rắn đến báo tin rằng hoàng hậu có mang đang thèm ăn quả vả, nếu tìm và đưa về thì có thể đổi lấy lại cặp mắt. Một lần khác, rắn lại đến bảo cô tìm quả đào để đổi lấy đôi tay. Nhờ thế cô gái được lành lặn, sau đó cô trở về lâu đài gặp vua.
Truyện khác của Ý sưu tầm ở Tô-xcan (Toscane):
Một bà hoàng thái hậu không ưa con dâu mình. Thừa lúc vua đi vắng, hoàng hậu sai đầy tớ dắt dâu vào rừng giết đi. Nhưng hai người kia động lòng thương, không giết mà chỉ móc lấy cặp mắt đem về cho hoàng thái hậu tin. Bị mù lòa, hoàng hậu gặp một ông già và nhờ ông giúp đỡ, nhận được ở một con rắn ba vật quý. Sau đó nàng nhờ người dắt về lâu đài. Với tấm mạng che mặt, hoàng hậu đem hai vật quý đổi lấy hai mắt để được sáng lại như xưa. Lành rồi nàng lại đem vật quý thứ ba tặng mẹ chồng để được phép ngủ bên cạnh buồng nhà vua, do đó vua nhận ra nàng.
Truyện Nga:
Một cô gái là người yêu của vua, một hôm bị một nữ tỳ hóa phép làm cho ngủ say rồi móc hai con mắt. Đoạn hắn bỏ về cung thay chủ lấy vua. Về phía cô gái được một người chăn cừu già nuôi nấng chăm nom. Đêm đêm cô làm mũ đội theo kiểu mũ nhà vua, rồi bảo ông già lần lượt đem đi bán để đổi lấy đôi mắt, v.v...
Về đoạn kết mẹ ăn thịt con, một số truyện ở các nước cũng có những hình ảnh và mức độ trừng phạt tương tự. Sau đây là một số truyện:
Truyện Xi-xin (Sicile):
Một người dì ghẻ giết con gái của chồng vốn là vợ vua, rồi đem con mình thế vào, đại thể cũng gần với diễn biến của nhiều truyện trên. Sau đó mưu gian bị bại lộ. Vua sai cắt cô gái này làm ngàn mảnh đem ướp vào thùng, gửi về cho mụ dì ghẻ nói là mắm cá thu của con gái. Khi mụ bắt đầu ăn, một con mèo nói: - "Cho tôi chút gì tôi khóc giúp cho!". Mụ đánh đuổi mèo. Nhưng khi sắp ăn hết thấy đầu lâu con, mụ đập đầu vào tường mà chết. Con mèo nhảy lên hát: - "Mụ không cho tôi gì cả, tôi chẳng khóc giúp đâu!".
Một truyện khác của người Ka-bilơ (Kabiles):
Một cô gái bị mẹ con người dì ghẻ làm cho cực khổ. Sau khi lấy chồng, cô vạch người chồng thấy tội ác của chúng và nhờ trả thù hộ. Chồng hỏi: - "Trả thù như thế nào?" - "Buộc nó (em gái con dì ghẻ) vào đuôi ngựa, cho ngựa kéo qua các bờ bụi". Chồng làm theo. Sau đó, cô cắt thịt nấu lên gửi về cho mẹ nó và em nó. Đứa em, ăn đến con mắt, ngờ vực nói: - "Ô mẹ! Con mắt này là của chị con". Người mẹ không muốn tin. Một chốc sau, nó lại nói: - "Mẹ nhìn này, con đem miếng thịt này cho một người nào đó để họ khóc cho chị con một tý". Một con mèo nói: - "Vậy thì cho tôi miếng ấy, tôi sẽ khóc bằng một mắt".
Truyện của người Béc-be-rơ (Berbères):
Một đứa trẻ tên là Ba-gơ-di-đít bị mụ chằng bắt. Trong khi bận đi gọi khách đến dự tiệc, mụ giao cho con gái mình ở nhà làm thịt đứa trẻ nấu ăn. Trong hang, Ba-gơ-di-đít hát lên. Cô gái muốn nghe tiếng hát, bèn kéo hắn lên khỏi hang. Ba-gơ-di-đít xay hạt với nó rồi chơi trò chẵn lẻ, hẹn ai thắng thì được cắt tóc kẻ thua. Ba-gơ-di-đít thắng, cầm dao cắt tóc cô kia rồi bất ngờ cắt cổ. Đoạn, mang bộ tóc và áo quần của nó vào để cải trang. Lại bỏ thịt vào nồi sau khi cắt cặp vú bỏ dưới chiếu. Khi mụ mời khách về, ăn thịt con vẫn tưởng là thịt Ba-gơ-di-đít. Một con mèo nói: - "Thịt ấy có mùi sữa bà đấy!". Mụ đánh đuổi mèo, nói: - "Đi ra mau, bố mẹ mày, bố mẹ giống nòi mày nói điêu!".
Truyện ở Bắc Ấn:
Một đứa trẻ trèo cây hái quả. Sắp ăn thì một mụ phù thủy đi qua làm bộ hỏi xin một quả. Nó vít nhánh xuống cho mụ hái, bất đồ mụ chụp được tay, bắt bỏ vào bị. Dọc đường mệt quá, mụ đặt bị nghỉ lại. Nó chui ra, lén bỏ đá và gai vào bị rồi trốn về. Mấy ngày sau, nó lại bị mụ bắt được. Mụ bảo con dâu chặt từng miếng bỏ vào nồi để mụ còn đi mua tiêu muối. Sắp hạ thủ, con dâu ngắm thấy thằng bé xinh, bèn nói: - "Con mắt mày sao đẹp thế, đầu lại tròn...". Đáp: - "Mẹ tôi chăm chút lắm mới được thế đấy. Mẹ tôi lấy kim nung lửa rồi châm vào mắt, còn đầu thì dùng chày giã gạo sửa mãi mới được thế" - "Tao muốn được giống như mày". - "Khó gì". Em dùng chày bất thình lình choảng cho nó chết rồi chặt khúc bỏ vào nồi. Đoạn mặc quần áo của nó ngồi ở góc buồng. Mụ về nấu xong múc súp cho cả nhà ăn, cho con mèo một phần. Mèo nói: - "Nhổ đi, mẹ chồng ăn thịt nàng dâu!". Mụ hỏi: - "Mày nói cái gì?". Đứa bé nói: - "Để tôi ra ngoài một tý rồi tôi sẽ nói cho mà biết!". Rồi chạy mất. Mụ chờ mãi không thấy, khi nhìn vào nồi mới rõ sự thật.
Người Ấn-độ còn có truyện kể một hoàng hậu hành hạ con chồng, cuối cùng giết chết nó. Về sau, hành vi của mụ bị vua phát hiện và xử vào tội chết, nhưng ở đây, mụ bị đốt cháy lấy xương gửi về cho mẹ mụ.
Ở truyện của người Tô-xcan (Toscane) thì mức độ trừng phạt nặng hơn, bằng hình ảnh mụ dì ghẻ tự tay mình đổ nước sôi vào con đẻ:
Một cô gái tên là Nê-na hàng ngày phải đi chăn bò, còn phải kéo cho dì ghẻ nửa cân len. Một bà già bảo con bò cái kéo giúp. Ngày hôm sau, mụ sai con mình đi theo để dò biết tại sao Nê-na làm tròn công việc. Bà lão bảo cô chải tóc cho em để nó ngủ say, rồi mới sai bò kéo len. Hôm sau, cô em lại đi nhưng giả bộ ngủ say, nhờ đó biết được sự thật và Nê-na bị dì đánh.
Hoàng tử đến hỏi Nê-na "cô gái đẹp" làm vợ. Mụ dì ghẻ đánh tráo con mình vào để thay thế, còn cô chị thì mụ bỏ vào thùng, định giội nước sôi cho chết. Một con mèo kêu lên: - "Meo, meo, cô gái đẹp thì ở trong thùng, còn cô gái xấu thì ngồi trên ngựa vua". Hoàng tử nghe ra, bèn đi tìm, quả thấy "cô gái đẹp". Lập tức bỏ cô kia vào thùng và đón Nê-na về. Mụ dì không biết việc đó, cứ giội nước sôi, thành ra chết con đẻ[26].
Trái với truyện trên, ở nhiều truyện của một số dân tộc khác, sự trừng phạt đối với mẹ con mụ dì ghẻ lại có vẻ nhẹ nhàng. Chẳng hạn như truyện của Ru-ma-ni (Roumanie) mà Hoàng Thị Đậu[27] có nhắc đến. Ví dụ truyệnBồ câu của nàng I-lê-a-na Cô-sin-de-a-na(không có việc trả thù); truyệnCon gái ông lão và con gái bà lão(mụ dì ghẻ không bị phạt, chỉ cô gái mụ phải sống cô độc suốt đời, v.v...). Theo tác giả, nếu "chúng ta so sánh sự đối xử của mẹ con mụ dì ghẻ trong các bản khác nhau của Ru-ma-ni với những hành động tàn bạo của mẹ con mụ dì ghẻ trong các bản khác nhau của Việt Nam, ta sẽ thấy mức độ ác nghiệt, tàn bạo rất khác nhau; do đó mức độ trừng phạt cũng khác nhau. Tuy vậy, những truyện thuộc loại Tấm Cám của Việt-nam và của Ru-ma-ni đều biểu hiện chung tư tưởng là "ác giả, ác báo", "gieo gió thì gặt bão".
Cô-xcanh (Cosquin) trong sách đã dẫn, có trình bày một loạt truyện lưu hành ở các nước mà ông gọi làTro Bếp nam(Cendrillon masculin), nhân vật chính không phải nữ mà là nam, lúc bé có vẻ lười biếng, ngây ngô, nằm mãi không dậy, lấm lem vì vùi trong tro, v.v... Nhưng đến một lúc nào đó trở nên có sức mạnh ghê gớm, ăn khỏe, làm nên những kỳ tích, v.v... (Xem Khảo dị truyệnThánh Gióng, số 134, tập III).
[1] Câu này theoBản khai của xã Điền Lễ.
[2] Dựa theo Đỗ Thận.Một truyện kể An-nam về cổ tích Tro bếp,BEFEO, tập VII, q. 1-2 (1907), và lời kể của người miền Bắc.
[3] Theo bản khai của xã Hoàng-tràng.
[4] TheoLoại cổ tích hay, đã dẫn.
[5] Theo Phong Châu.Tấm, Cám có thật ở Việt Nam không?Tập sanNghiên cứu Văn sử địa,số 39 (1958).
[6] Theo lời kể của người vùng Dương-xá (Bắc-ninh).
[7] Tình tiết này theo Đinh Gia Khánh,Sơ bộ tìm hiểu những vấn đề của truyện cổ tích qua truyện Tấm Cám.
[8] Trong Tạp chíĐông-dương, tập XX (1913) và Lăng-đờ (Landes), sách đã dẫn.
[9]Một truyện Tro Bếp An Nam, Tạp chíNghiên cứu truyền thống dân gian(tiếng Ý)Pa-léc-mơ(1896).
[10] Theo Lăng-đờ (Landes).Truyện cổ tích Champa.
[11] Theo Lê Trọng Khánh, An Ly, Đỗ Thiện.Truyện dân gian Campuchia.
[12] TheoTruyện cổ Việt Bắc, đã dẫn
[13] Theo Pha-ra (Pourra) sách đã dẫn, tập I. TruyệnCô TroBếphay làChiếc hài cườm pha lêphổ biến ở châu Âu cũng như ở Pháp lại kể như sau: Có hai chị em cùng cha khác mẹ.Dì ghẻ bắt con chồng làm việc nặng nhọc. Tuy rách rưới nhưng Tro Bếp (hay Lọ Lem) vẫn xinh đẹp. Một hôm hoàng tử mở dạ hội, cho mời những người danh giá tới dự. Hai cô chị được mời, ăn mặc rất choáng lộn, bắt Tro Bếp vấn tóc cho chúng, v.v...Khi chúng đi rồi, Tro Bếp ngồi khóc. Một nàng tiên (ở đây không nói là mẹ cô) xuất hiện bảo ra vườn hái một quả bí.
Đoạn, gõ gậy vào, bí bỗng hóa thành một cỗ xe mạ vàng. Lại bắt sáu con chuột nhắt gõ gậy vào hóa thành sáu con ngựa, một con chuột cống hóa thành người đánh xe. Lại biến sáu con mối thành sáu người hầu, biến quần áo rách rưới của Tro Bếp thành áo bằng gấm vóc và cho thêm một đôi hài cườm pha lê. Sắp đi, nàng tiên còn dặn đến nửa đêm phải về, bằng không thì có chuyện không hay.
Hoàng tử nghe tin báo có một nàng công chúa đẹp và sang, vội chạy ra đón vào nhảy. Lúc ấy trăm con mất đều nhìn nàng trằm trồ. Cho đến 11 giờ, Tro Bếp nhớ lời nàng tiên, vội trở về thật nhanh. Đến khi hai chị về gõ cửa, Tro Bếp giả vờ dụi mắt bước ra. Đến hôm sau Tro Bếp lại đi dự, nhưng cô mải mê thích thú quên cả lời nàng tiên dặn. Đồng hồ điểm 12 giờ mới vội chạy về, đánh rơi chiếc hài. Hoàng tử nhặt được và cũng có chuyện ướm chân. Hai chị ướm không vừa, còn chế giễu Tro Bếp, không ngờ Tro Bếp chẳng những đi vừa lại còn rút nốt chiếc hài trong áo ra đi nốt vào chân kia. Nàng tiên lại hiện ra hóa phép cho Tro Bếp có áo quần lộng lẫy. Hai chị mới biết nàng công chúa hôm nọ với Tro Bếp là một. Sau khi làm lễ cưới, Tro Bếp đem hai chị gả cho hai quan to trong triều (theo Pê-rôn (Perrault)).
[14] TheoMiến Điện, dân gian cố sự.
[15] Theo Đinh Gia Khánh, sách đã dẫn.
[16] TheoTruyện cổ Việt Bắc, đã dẫn. Xem thêm truyệnNàng Khao Nàng Đămở Khảo dị truyện số 12, tập I, cũng có người mẹ hổ.
[17] TheoTruyện cổ dân gian Việt Nam, tập I, đã dẫn.
[18] TheoTruyện cổ dân gian Việt Nam, tập I. Truyện này theo chúng tôi, người kể chắc bỏ sót một số tình tiết.
[19] TheoTruyện cổ dân gian Việt Nam, tập II, đã dẫn.
[20] Theo Đơ-la-ruy (Delarue) và Tê-nê-dơ (Ténèze).Truyện cổ tích dân gian Pháp, quyển II.
[21] Theo Cô-xcanh (Cosquin), sách đã dẫn, tập I.
[22] TheoTruyện cổ dân gian Việt Nam, tập II.
[23] Một truyện trongPen-ta-mơ-rongiống truyện trên. Đại thể là: một cô gái yêu một hoàng tử bị một nữ nô hóa phép thành chim bồ câu rồi lấy hoàng tử thay cô gái. Bồ câu nhiều lần bay đến lâu đài hỏi đầu bếp mọi việc. Nữ nô ra lệnh cho đầu bếp bắt bồ câu làm món rô-ti. Chỗ quăng lông bồ câu mọc lên một cây quýt đẹp có ba quả. Vua hái một quả bóc ra tự nhiên thấy người yêu thật xuất hiện.
[24] Tác giả sách này là Đoàn Thành Thức (?-863). Truyện trên do ông sưu tầm “ở phương Nam”. Đinh Gia Khánh, sách đã dẫn, đoán là vùng Ung-châu, tức là vùng dân tộc Choang (Quảng-tây, Trung-quốc).
[25] Người Hy-lạp (Grèce) kể truyện này như sau: Một cô gái đi với người vú nuôi đến xứ người yêu để làm vợ một hoàng tử. Vì vú nuôi chủ ý cho ăn mặn nên khát quá, cô xin nước uống. Vú nuôi bảo: - “Ở xứ này nước đắt, mỗi một ngụm đổi lấy một con mắt”. Cô lần lượt chịu cho móc hai mắt để khỏi chết khát. Vú bèn bỏ nàng lại, đưa con gái đẻ của mình vào cung làm vợ hoàng tử. Cô gái mù được một bà già hảo tâm nuôi nấng. Cô vốn có tướng khi cười thì có hoa hồng hiện ra. Bèn sai bà già mang hoa hồng vào cung đổi lấy mắt. Cuối cùng mắt cô cũng sáng trở lại và được lấy hoàng tử.
[26] Phần nhiều những truyện kể trên đều theo Cô-xcanh (Cosquin).Truyện cổ tích dân gian miền Lo-renvàNhững truyện cổ tích Ấn Độ và phương Tây, v.v...
[27] Trong bàiMột số tư liệu để tiến tới so sánh truyện Tấm Cám của Việt Nam và Ru-ma-ni(Tạp chí văn học, số 3-1963).
#9 (0) |